Nhiều chủ DN bỏ trốn
Theo thống kê chưa của Bộ LĐTBXH, những ngày giáp tết âm lịch vừa qua tại 22 tỉnh, thành phố có hơn 10 nghìn lao động bị nợ lương do DN đóng cửa, chủ DN bỏ trốn. Tiến sĩ Đặng Quang Điều, trưởng ban Chính sách- Pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, tới thời điểm này cả nước có gần 500 DN có chủ bỏ trốn. Hiện tượng chủ DN bỏ trốn đã xảy ra từ năm 2009, tuy nhiên cho đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào ngăn chặn. Sở dĩ có tình trạng như vậy, theo ông Điều, có 2 nguyên nhân. Một là do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan trong quản lý các DN có vốn FDI trong quá trình đầu tư hoạt động (từ khâu cấp phép đến khâu kiểm ra, theo dõi, cập nhật tình hình sản xuất kinh doanh của DN, rồi khâu truy tìm chủ DN sau khi bỏ trốn). Trong quá trình DN hoạt động chưa có sự kiểm tra sát sao việc thực hiện pháp luật lao động, bảo vệ môi trường, thực hiện nghĩa vụ về thuế đối với nhà nước; nhất là việc thực hiện trả lương, thưởng, nộp các khoản BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Hai là, hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy đinh về DN có chủ bỏ trốn, từ khái niệm DN có chủ bỏ trốn đến quy trình tổ chức thanh lý tài sản, đến việc giải quyết chế độ chính sách cho NLĐ; trả các khoản nợ có liên quan đến BHXH, BHYT, nợ các tổ chức tín dụng…
Lúng túng trong xử lý
Liên quan đến tình hình chủ DN bỏ trốn, từ năm 2009 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 30/2009 (ngày 23-2-2009) và Công văn số 1490 (ngày 24/9/2012) chỉ đạo tạm ứng ngân sách trả lương cho NLĐ. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, các địa phương lại gặp không ít trở ngại. Nổi cộm là việc xác định tiêu chí “DN có chủ bỏ trốn” bởi đến nay, vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn cụ thể. Trở ngại khác là quy trình xử lý tài sản của DN có chủ bỏ trốn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính chỉ là cơ quan chuyên môn, không có chức năng thu giữ và quản lý tài sản của DN. Cùng với đó, pháp luật hiện hành cũng chưa xác định cơ chế xử lý nhanh tài sản của DN có chủ bỏ trốn để bảo đảm việc xử lý tài sản đúng quy định, bảo toàn giá trị tài sản và hoàn trả số tiền ngân sách đã tạm ứng. Do đó, sau khi ứng lương cho NLĐ, việc xử lý tài sản của DN rơi vào bế tắc bởi quy trình phá sản rất nhiêu khê. Chính những trở ngại này gây khó khăn cho địa phương trong việc tạm ứng ngân sách trả lương cho CN tại những DN có chủ bỏ trốn, dẫn đến việc khó thu hồi ngân sách. Ngoài ra theo Công văn số 1490, việc tạm ứng ngân sách địa phương để trả lương cho NLĐ chỉ áp dụng đối với NLĐ không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại các DN có chủ bỏ trốn. Như vậy, NLĐ đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại các DN này thì không thuộc đối tượng áp dụng. Hiện nay, ở TP HCM, Bình Dương, TP HCM, các ngành chức năng mới chỉ hướng dẫn NLĐ thông qua LĐLĐ quận - huyện đề nghị tòa án mở thủ tục phá sản DN hoặc đề nghị NLĐ khởi kiện dân sự đối với khoản nợ lương. Nhưng giải pháp này không khả thi do thủ tục phá sản phức tạp, kéo dài. Còn việc khởi kiện dân sự tại tòa án đối với NLĐ cũng khó thực hiện được, nguyên nhân do thủ tục ủy quyền. NLĐ phải lo tìm việc làm mới, không thể tiếp tục theo đuổi vụ kiện theo yêu cầu về thủ tục của tòa án hoặc thời hạn xử kiện đã hết. Mặt khác, do quá trình xử lý vụ việc kéo dài nên tài sản của DN bị xuống cấp, giá trị còn lại của tài sản thường thấp hơn giá trị tài sản tạm xác định ban đầu. Như vậy có thể nói khi giá trị tài sản DN không còn và trông chờ khởi kiện thì coi như NLĐ trắng tay.
Để giải quyết dứt điểm khoản tạm ứng ngân sách chi trả hộ tiền lương cho NLĐ của các DN có chủ bỏ trốn, các bộ - ngành cần quy định tiêu chí xác định “DN có chủ bỏ trốn” để làm cơ sở thực hiện việc tạm ứng ngân sách địa phương hỗ trợ khoản nợ lương cho NLĐ. Nhằm đẩy nhanh việc xử lý tài sản của DN, tránh tình trạng xuống cấp, làm giảm giá trị tài sản, đồng thời để sớm thu hồi tạm ứng cho ngân sách địa phương, UBND TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ - ngành hướng dẫn quy trình xử lý nhanh tài sản của các DN có chủ bỏ trốn không phụ thuộc vào quy trình xử lý theo Luật Phá sản.
Trong khi chờ chính sách xử lý DN bỏ trốn, để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, theo tiến sĩ Đặng Quang Điều, NLĐ có thể chủ động phòng tránh chuyện chủ DN bỏ trốn như dứt khoát không để chủ DN nợ lương trong thời gian dài trong đó có lương, nợ BHXH, BHYT, BHTN... Về phía CĐ cơ sở cần chú ý các dấu hiệu bất thường như khi DN dừng mọi khoản đầu tư phát triển doanh nghiệp, DN không có đơn đặt hàng trong thời gian dài hay tự di chuyển hàng hóa, máy móc thiết bị khỏi cơ sở sản xuất, trong trường hợp có dấu hiệu như vậy thì cần báo ngay cho các cơ quan quản lý doanh nghiệp biết để tiến hành kiếm tra, làm rõ.
(Theo báo Lao động thủ đô)