Trả phí cao cũng không tìm ra người
Theo khảo sát về xu hướng nhu cầu nhân lực của Trung tâm Dự báo nhu cầu
nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) tại 27.000
doanh nghiệp trên địa bàn TP trong các năm 2010-2012, ngành công nghệ
thông tin có nhu cầu nhân lực lớn nhất, chiếm khoảng 7,75% tổng nhu cầu
nhân lực hàng năm của TP, trong đó nhu cầu ngành lập trình di động
chiếm một phần rất lớn nhưng rất khó tìm được lao động.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc thường trực Falmi cho biết: ”Hiện tại
TPHCM phổ biến đào tạo lập trình di động trên hệ điều hành Android, IOS
và Windows Phone. Có rất nhiều trung tâm đào tạo lập trình di động tại
TPHCM và nhân lực nghề này ngày một tăng lên về số lượng. Nhưng thực tế
vẫn chưa có thể đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp cả về
số lượng và chất lượng”.
Theo ông Tuấn, lập trình cho di động vẫn còn đang là ngành học mới tại
Việt Nam, nhu cầu nhân lực ngành này mới chỉ gia tăng gần đây theo sự
phổ biến của các loại điện thoại thông minh. Nhờ ưu điểm nhỏ gọn nhưng
tích hợp nhiều ứng dụng, di động thông minh đang trở thành vật bất ly
thân của những người trẻ năng động hiện nay. Vì thế, phát triển phần mềm
cho di động cũng trở thành mục tiêu của các doanh nghiệp công nghệ, lao
động ngành này trở thành ”hàng hiếm” trên thị trường lao động TPHCM.
Di động thông minh ngày càng phổ biến thì ngành lập trình di động càng phát triển (ảnh minh họa)
Ông Nguyễn Minh Hiếu, Trưởng bộ phận nhân lực Chonviec cho biết: ”Do
khó tìm người nên lương ngành này đang bị đẩy lên rất cao. Mức lương
nhân viên kỹ thuật trình độ đại học trung bình dao động từ 5 – 8 triệu
đồng. Nhưng lao động ngành này dù mới ra trường mà làm được việc đều
được trả mức lương từ 500 – 700 USD/tháng, nếu có 3 năm kinh nghiệm thì
nhận mức lương trên dưới 1.000 USD/tháng là chuyện thường”.
Ông Hiếu kể: “Từng có công ty trả cho chúng tôi mức phí đến 31 triệu
đồng cho 1 nhân viên lập trình di động tuyển được và cam kết làm việc
cho họ từ 3 tháng trở lên. Đây là 1 mức phí rất cao dành cho cấp nhân
viên kỹ thuật. Thậm chí có khi không tìm ra người, họ còn “xúi” chúng
tôi “lôi kéo” dùm họ nhân viên từ các công ty khác, họ chấp nhận trả
thêm phí “chuyển chỗ làm” cho nhân viên mới tuyển... ”.
Yêu cầu làm việc thực tế và giỏi ngoại ngữ
Theo dự báo của Falmi, ngành công nghệ thông tin cũng sẽ chiếm khoảng
6% tổng nhu cầu nhân lực của thành phố trong giai đoạn 2012 – 2015 với
khoảng 18.000 – 20.000 chỗ làm mỗi năm, riêng nhân lực giỏi chuyên ngành
lập trình di động cần khoảng 1.000 – 1.500 người/năm.
Thực tế con số nhu cầu này không cao hơn con số nhân sự được đào tạo
tại các cơ sở đào tạo tại TPHCM. Tình trạng thiếu nhân lực ngành này xảy
ra là do sinh viên được đào tạo ra trường không đáp ứng được nhu cầu
làm việc thực tiễn của doanh nghiệp.
Ông Trần Anh Tuấn cho biết: “Số lượng sinh viên theo học ngành này khá
nhiều nhưng để tìm được nhân lực đạt yêu cầu thì rất hạn chế, theo các
doanh nghiệp chỉ đạt khoảng 10% trên tổng số ứng viên. Lý do có thể nói
đến là sinh viên, học sinh được đào tạo đa số còn thiếu kiến thức
chuyên môn thực tế”.
Ông Nguyễn Minh Hiếu cho rằng: “Ngành này đòi hỏi trình độ chuyên môn
rất cao nên rất nhiều sinh viên mới không thể đáp ứng được công việc. Do
đó, các sinh viên trong quá trình học cần tích cực tìm kiếm công việc
làm thêm liên quan đến ngành mình học để tích lũy kinh nghiệm. Kinh
nghiệm làm việc là yêu cầu nhất thiết phải có khi các doanh nghiệp tuyển
nhân viên ngành này”.
Ngoài ra, yêu cầu ngoại ngữ rất quan trọng đối với lao động ngành lập
trình di động. Ông Hiếu cho biết: “Do tài liệu chuyên môn ngành này đều
thể hiện bằng tiếng Anh nên ngoại ngữ là yêu cầu quan trọng để giúp nhân
viên đọc hiểu các tài liệu hướng dẫn mới. Ngoài ra, hầu hết đơn hàng mà
các doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện đều là gia công cho nước
ngoài, có ngoại ngữ để giao tiếp là lợi thế. Thậm chí, nếu giỏi ngoại
ngữ và chuyên môn, họ còn có thể được đưa sang công ty chính ở nước
ngoài để làm việc ngắn hạn với mức lương gấp 2 – 4 lần trong nước”.
Tùng Nguyên